Cuộc giành giật của cha tôi

 

tôi dám nói với người đời rằng cuộc chiến đấu của cha tôi là vô cùng oanh liệt, sau những ngày   nằm mê man bất tận ở trên giường, sáng ấy, trước lúc vĩnh viễn ra đi, ông bỗng tỉnh ra để nói cho tôi biết về cuộc chiến đấu kỳ vĩ của ông,

 

con trai ta hãy lại đây,

 

ông gọi tôi,
đấy là buổi sáng mùa xuân, thứ mùa sung mãn nhất trong năm như vẫn chẳng làm gì được nỗi buồn chết tiệt nghìn năm vẫn lẩn quất nơi làng Cù của tôi,

 

mùa xuân đương về với lũ chim trời, con có nhìn thấy không,

 

cha tôi hỏi tôi,

bấy giờ con chim cu đồng đang gù tình trên bờ tre trước nhà,

 

hãy nghe cho kỹ, con trai của ta, là ta đã đánh đuổi lũ mặt dày ra khỏi làng, lũ chim sẽ tự do ca hót nơi bầu trời của chúng, con có nghe thấy tiếng gù của con chim cu đồng là khác với mọi ngày,

 

thưa, con đã nghe thấy,

là ta phải đánh nhau với thần núi ở đó, đánh nhau mấy ngàn ngày đêm, cuối cùng cũng phải nói thật là ta muốn mượn gươm thần, được rồi, bóng tối để trừ bóng tối, thần núi nói, rồi đem bóng tối phủ lên gươm thần,

 

hóa ra lúc cha tôi mê sảng trên giường là lúc ông đi mượn gươm thần,
con chim cu đồng vẫn tiếp tục gù tình trên bờ tre trước nhà,

 

cái lũ ngoi lên từ thân thế   loài người ấy, dù đã có gươm thần, ta cũng gần hụt hơi với lũ chúng, biến hóa, đấy là cái cách để lũ chúng tồn tại suốt những nghìn năm qua, ta đã đánh nhau với thằng mặt dày mắt trắng suốt mấy trăm ngày đêm, lúc thì thằng ấy biến thành kẻ đạo mạo ngồi ghế minh chủ, lúc lại biến ra nhà thông thái rao giảng nhân nghĩa, cho đến hôm ta đem gươm thần chọc vào mắt nó, thằng ấy mới chịu hiện nguyên hình là thứ bóng tối dày đặc, có phải sáng nay con trai ta nhìn thấy làng xóm có vẻ vui hơn mọi ngày,

 

thưa, con đã nhìn thấy, tôi đáp, tới lúc ấy tôi mới hiểu vì sao trong lúc mê sảng cha tôi thường vùng dậy khỏi giường như để đuổi theo ai đó,

 

ta cũng đã đánh nhau với thằng mặt dày có cái mõm chó, thằng quỉ ấy vừa đánh nhau với ta vừa sủa, không phải là sủa theo cái cách chó giữ nhà, mà sủa theo cái cách sủa được sinh ra tự trong bụng mẹ, cứ chỏ mòm ra cả thế giới mà sủa, ta suýt chút nữa là chết vì thiên hạ, rất nhiều người trên thế giới đã mang gậy gộc đến chỗ ta và thằng ấy đang đánh nhau, nhưng khi trông thấy bộ dạng thằng ấy thì biết nó chẳng phải đứa đứng về phía chính nghĩa, ta liền lấy máu chó bôi lên gươm thần để giết nó, có phải sáng nay con chẳng còn trông thấy thằng ấy lảng vảng ở trong làng,

 

thưa, chẳng còn trông thấy thằng mỏm chó ấy nữa, tôi đáp, và cảm thấy như niềm vui của cha tôi đang lây lan sang tôi, con chim cu đồng vẫn đang tiếp tục gù tình nơi bờ tre trước nhà,

 

ta cũng đã đánh nhau với thằng mặt dày có cái túi trên lưng, cái thằng mặt dày một thời toan đem người làng Cù của ta đổi lấy chức tước từ tay lũ quỉ ở phía mặt trời lặn, nếu như ngày ấy lũ quỉ không chê người làng ta ốm yếu, tất ta chẳng còn tới ngày nay để giết chết thằng ấy, thì ra chiếc túi luôn dính trên lưng thằng ấy là chứa cả phân, rác lẫn quyền lực, có phải sáng nay con trai ta chẳng còn nỗi lo sợ nào nữa lúc đi lại trong làng,

 

thưa, chẳng còn có nỗi lo sợ nào nữa, tôi đáp, và thấy ánh mắt cha tôi ánh lên niềm căm tức, làm như thể là ông đang trong cuộc quyết đấu với kẻ thù,

 

chúng nó, cái lũ mặt dày ấy, chính là cái cách biến hóa muôn hình vạn trạng của chúng đã làm hoen ố sự tích con người, nếu   không giết hết lũ chúng thì nghìn triệu năm sau chúng vẫn còn   làm hoen ố sự tích con người, con trai ta biết không, cái lũ mặt dày ấy vốn là thứ bóng tối chết tiệt chẳng hiểu sao lại được sinh ra tự buổi đầu của tạo tác,

 

cha tôi nói tới đó thì không nói nữa, nhắm mắt làm thinh, tôi biết là ông không còn nhìn, không còn nghĩ về các thứ trên thế gian này nữa, quả tình là cha tôi đã để lại cho tôi một di sản quá lớn, lẽ ra tôi chỉ nên vui vẻ đón nhận như một thứ định mệnh, chẳng phải nghĩ ngợi gì nữa, nhưng khi nghĩ đến việc cha tôi không còn trên đời này nữa, tôi cứ thấy như mùa xuân đang trở nên tiều tụy.

 

giã,
2014

 

 

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.